Thẻ tín dụng là hình thức “dùng trước, trả sau” đem lại sự tiện lợi trong thanh toán và mua sắm của những người trẻ hiện đại. Nhưng có nên rút tiền thẻ tín dụng hay không? Mức phí có cao không? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết sau đây.
1. Có nên rút tiền thẻ tín dụng hay không?
Rút tiền từ thẻ tín dụng không giống như rút tiền từ thẻ ghi nợ hay tiết kiệm, mà đây là một khoản tạm vay từ ngân hàng. Bạn có thể dễ dàng rút tiền tại các cây ATM mà không cần bất cứ thủ tục phức tạp nào như khi đi vay ngân hàng.
Hình 1: Rút tiền thẻ tín dụng thực chất là một khoản tạm vay từ ngân hàng
Tuy nhiên, bạn chỉ nên rút tiền thẻ tín dụng khi thật sự cần thiết. Bởi vì rút tiền từ loại thẻ này sẽ phải chịu lãi suất và phí rút tiền rất cao. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng trả nợ và làm xấu điểm tín dụng của bạn.
Do vậy, tốt nhất bạn hãy thử tìm các phương pháp thanh toán khác để tránh các loại phí và lãi suất cao (chẳng hạn như sử dụng quỹ dự phòng, mua hàng trả góp, thanh toán bằng thẻ tín dụng và giữ tiền mặt lại, rút tiền tiết kiệm trước hạn…). Nếu không thể tránh được việc phải rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, hãy cân nhắc trả nợ một cách nhanh chóng để giảm thiểu các tác động tiêu cực có thể xảy ra.
Đọc thêm: Rút tiền thẻ tín dụng được không và cần lưu ý những gì khi thực hiện?
Và bạn cũng không thể rút hết hạn mức từ thẻ tín dụng của mình được. Thông thường, bạn chỉ được rút khoảng từ 30-70% hạn mức, tùy thuộc vào quy định của từng ngân hàng. Và nếu như bạn không có tài sản đảm bảo thì hạn mức rút tiền này sẽ càng thấp hơn. Ví dụ, nếu bạn có thẻ tín dụng với hạn mức 50 triệu đồng thì bạn chỉ có thể rút tối đa 35 triệu đồng từ thẻ mà thôi.
Hình 2: Bạn chỉ được rút từ 30-70% hạn mức từ thẻ tín dụng của mình
2. Mức phí khi rút tiền thẻ tín dụng là bao nhiêu?
Nếu bạn cần phải rút tiền thẻ tín dụng, bạn cũng cần nắm được mình sẽ phải chịu những loại phí phát sinh nào. Do chức năng chính của thẻ tín dụng không phải là để rút tiền, nên các ngân hàng sẽ áp dụng biểu phí rất cao. Mức phí khi rút tiền gồm hai loại là phí rút tiền và lãi suất, cụ thể như sau:
2.1. Mức phí rút tiền mặt từ thẻ tín dụng
Phí rút tiền là khoản phí mà bạn phải trả cho mỗi lần rút tiền từ thẻ tín dụng. Phí này thường dao động từ 1-4% của số tiền mà bạn muốn rút. Cho nên, bạn rút số tiền càng lớn thì sẽ phải chịu mức phí càng cao. Ví dụ, nếu bạn rút 5 triệu đồng từ thẻ tín dụng với phí 2% thì phí rút sẽ là 100.000 đồng; và nếu rút 50 triệu thì mức phí sẽ là 1.000.000 đồng. Do vậy, bạn cần tính toán cẩn thận để hạn chế tối đa chi phí phát sinh.
Đọc thêm: Ưu đãi thẻ tín dụng
Hình 3: Bạn sẽ mất khoản phí từ 1-4% cho mỗi lần rút tiền mặt từ thẻ tín dụng
2.2. Lãi suất rút tiền mặt từ thẻ tín dụng
Lãi suất rút tiền là khoản lãi mà bạn phải trả cho ngân hàng sau khi đã ứng tiền sử dụng. Thông thường, khi giao dịch bằng thẻ tín dụng sẽ được miễn lãi trong vòng 45 ngày. Nhưng khi bạn rút tiền, lãi suất thẻ tín dụng sẽ được tính ngay lập tức tại thời điểm bạn rút được tiền cho đến khi bạn trả nợ đầy đủ. Lãi suất này rất cao, có thể dao động từ 18%/năm trở lên.
Rút tiền thẻ tín dụng thật sự rất hữu ích khi bạn cần tiền gấp, nhưng đi kèm là những chi phí và rủi ro cao. Bạn nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định và chỉ sử dụng tính năng này khi không có lựa chọn nào khác. Ngoài ra, bạn cũng nên trả lại số tiền đã rút càng sớm càng tốt để giảm thiểu chi phí và lãi suất phát sinh.